Bài viết cùng chủ đề:Cập Nhật Pháp Lý Dự Án Novaworld Phan ThiếtÔng Bùi Thành Nhơn tín nhiệm trao quyền cho bộ máy mới của tập đoàn NovalandĐón ông lớn Vingroup, Novaland bất động sản khu vực này đang được “săn lùng”Du Lịch MICE Xu Hướng Và Cơ Hội Nào Cho Nghành Du Lịch Việt […]
Các dự án cao tốc như Bắc Nam, Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc, Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Rạch Miễu 2 sẽ được khởi công năm 2022.
Quý độc giả hãy cùng Novaland Express điểm qua các dự án giao thông trọng điểm khởi công năm 2022 nhé. Mọi đóng góp của quý độc giả sẽ là nền tảng để chúng tôi hoàn thiện nội dung mỗi ngay một tốt hơn.
Đầu tháng 1, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025. Với kế hoạch xây mới 729 km, tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông dài 2.000 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ được hoàn thiện.
12 dự án có tổng chi phí 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công, giải phóng mặt bằng quy mô 6 làn xe, trong đó giai đoạn một làm 4 làn xe. Riêng đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau có quy mô 4 làn xe.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng trong năm nay để khởi công một số đoạn. Các đoạn còn lại sẽ xây dựng trong 3 năm tiếp theo, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với hơn 20.900 tỷ đồng, trong đó đoạn đi qua tỉnh Lạng Sơn dài 52 km, đoạn qua tỉnh Cao Bằng dài 63 km.
Dự án được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn một từ nay đến năm 2024 xây dựng khoảng 93 km từ Lạng Sơn đến huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) với quy mô nền đường 17 m. Giai đoạn hai sau năm 2025 sẽ đầu tư tiếp khoảng 22 km đến cửa khẩu Trà Lĩnh.
Tuyến đường gồm 4 làn xe cơ giới, tốc độ 80 km/h, đoạn địa hình khó khăn cho phép thiết kế 60 km/h.
Tỉnh Cao Bằng đã thi tuyển phương án kiến trúc cho công trình với kỳ vọng là tuyến cao tốc đẹp nhất cả nước. Dự án đang được nghiên cứu khả thi và dự kiến khởi công vào cuối năm 2022.
Hiện, quãng đường từ Hà Nội đến Cao Bằng dài 280 km, ôtô đi mất 5-6 giờ. Sau khi các tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, Đồng Đăng – Trà Lĩnh hoàn thành, ước tính thời gian từ Hà Nội đến Cao Băng sẽ rút xuống còn 2,5-3 giờ.
Cầu Rạch Miễu 2
Dự án Cầu Rạch Miễu 2 vượt sông Tiền, nối Tiền Giang với Bến Tre, có tổng đầu tư 5.200 tỷ đồng, dự kiến khởi công tháng 3. Xây cách cầu Rạch Miễu hiện hữu gần 4 km về phía thượng lưu, cầu Rạch Miễu 2 dài 17,6 km, điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (giao quốc lộ 1 với đường tỉnh 870) thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang; điểm cuối trên quốc lộ 60, đoạn gần cầu Hàm Luông thuộc Bến Tre.
Dự án bao gồm cầu vượt luồng chính sông Tiền và cầu vượt sông Mỹ Tho. Trong đó, cầu chính sông Tiền thiết kế dây văng, dài gần 2 km, rộng 21,5 m, 4 làn xe. Phần cầu vượt sông Mỹ Tho dài 456 m, 4 làn xe. Riêng đường dẫn có 4 làn ôtô, 2 làn hỗn hợp, vận tốc 80 km/h.
Vốn đầu tư dự án từ ngân sách Trung ương, trong đó kinh phí xây lắp, thiết bị hơn 3.000 tỷ đồng, còn lại dành cho giải phóng mặt bằng, quản lý. Hơn 62 ha đất thuộc Tiền Giang, Bến Tre sẽ được giải tỏa để thi công công trình.
Khi hoàn thành, cầu Rạch Miễu 2 sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bằng sông Cửu Long, giúp giảm tải cho quốc lộ 60, đặc biệt là cầu Rạch Miễu hiện hữu thường ùn tắc dịp cuối tuần, lễ Tết.
Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây
Dự án mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đã được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào kế hoạch triển khai trong năm nay. Tuyến đường được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe đoạn gần 24 km từ nút giao An Phú đến vị trí giao dự kiến với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Đồng Nai). Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây dài 31 km giữ nguyên 4 làn xe như hiện nay.
Riêng hai cầu lớn trên tuyến là Sông Tắc và Long Thành lần lượt được đề xuất mở rộng lên 10 và 9 làn. Các nút giao cũng được nghiên cứu kết nối đồng bộ với mở rộng cao tốc. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 13.000 tỷ đồng.
Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đi qua TP HCM và Đồng Nai đã khai thác giai đoạn một năm 2015. Những năm gần đây, tuyến đường thường quá tải vào các dịp lễ Tết do lượng xe tăng cao. Việc mở rộng cao tốc sẽ tăng khả năng khai thác, góp phần đáp ứng nhu cầu giao thông khi sân bay Long Thành vận hành vào năm 2025.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
Dự án Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 theo phương thức đối tác công tư (PPP), tổng kinh phí hơn 19.610 tỷ đồng, triển khai từ năm 2021 đến 2026.
Cao tốc dài 53,7 km, trong đó điểm đầu kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa; điểm cuối tại km53+700 giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa; vận tốc thiết kế 100 km/h.
Giai đoạn 1, tuyến đường được đầu tư 4-6 làn xe, trong đó từ điểm đầu đến nút giao Long Thành (giao với đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây) 4 làn xe; từ nút giao Long Thành đến nút Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành) 6 làn xe; từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án 4 làn xe.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án hơn 19.610 tỷ đồng, gồm phần vốn của nhà đầu tư khoảng 12.980 tỷ đồng, phần vốn nhà nước gần 6.630 tỷ đồng cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Tuyến đường hình thành sẽ giảm tải cho quốc lộ 51 và khai thác đồng bộ các tuyến cao tốc, đường tốc độ cao trên hành lang vận tải TP HCM – Vũng Tàu, phát huy tiềm năng của cảng biển Cái Mép – Thị Vải, sân bay Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ.
Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương
Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 200 km, đi qua hai tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng được chia thành ba đoạn. Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phụ trách đoạn Dầu Giây – Tân Phú, giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 đoạn Tân Phú – TP Bảo Lộc và TP Bảo Lộc – Liên Khương. Chủ đầu tư hai dự án cao tốc là Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc dự kiến khởi công năm nay.
Đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có điểm đầu giao với quốc lộ 1 tại điểm cuối cao tốc Long Thành – Dầu Giây; điểm cuối giao cắt quốc lộ 20 tại km69+400, thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Đoạn đường này dài 61 km, kinh phí dự kiến 7.370 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Đoạn Tân Phú (Đồng Nai) tới TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài 66 km cũng có quy mô 4 làn ôtô và 2 làn dừng khẩn cấp, tổng đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP), có sự góp vốn của nhà nước.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đang xúc tiến chuẩn bị đầu tư đoạn còn lại Bảo Lộc – Liên Khương.
Tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, kết nối giao thông giữa miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Riêng đoạn Tân Phú – Bảo Lộc sẽ giảm áp lực cho quốc lộ 20, đèo Bảo Lộc vốn thường xuyên sạt lở, kẹt xe và tai nạn.
Tham khảo: Vnexpress